1. Tại sao da bị nám?
Da bị nám là tình trạng da bị đổi màu thành từng mảng trên khuôn mặt, và nguyên nhân tại sao lại có tình trạng này thì có rất nhiều ý kiến khác nhau. Nám da là một tình trạng phổ biến. Mặc dù cũng xuất hiện ở cả 2 giới, nhưng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng hơn 90% người bị nám da là nữ giới. Tình trạng này cũng thường xuất hiện ở độ tuổi 20 – 50, hoặc trong thời kì mang thai.
Nám da phát triển theo một số mô hình nhất định. Chúng ta có thể dễ dàng nhầm lẫn da bị nám với các tình trạng khác như sạm, tàn nhang,…bởi vì chúng đều có những mảng da màu nâu xuất hiện. Da bị nám trông có vẻ lấm tấm và không đều màu. Các đường viền của các đốm da bị nám cũng không đều. Vùng da bị nám phẳng, không nổi lên. Chúng không gây đau, bỏng hoặc ngứa.
Một số nơi mà nám da thường xuất hiện bao gồm:
- Malar pattern: Loại nám da này thường xuất hiện ở mũi, má.
- Mandibular pattern: Mô hình nám này thường xuất hiện quanh đường quai hàm.
- Brachial melasma: Loại nám da thường xuất hiện trên cánh tay, vai trên.
- Lateral cheek pattern: Loại nám da xuất hiện trên má, 2 bên mặt.
- Centrofacial pattern: Loại nám da xuất hiện ở đường nhân trung chữ T. Nghĩa là ở mũi, nhân trung, trán và 2 bên má.
1.1. Nám da do thay đổi nội tiết tố trong thai kì
Nám da còn là triệu chứng thường thấy trong thai kỳ. Nhiều nghiên cứu đã khẳng định quá trình mang thai là nguyên nhân hàng đầu gây nên nám da. Người ta ước tính rằng nám da ảnh hưởng đến 70% phụ nữ mang thai, xuất hiện trong tam cá nguyệt thứ hai hoặc thứ ba. Cơ chế của điều này là do sự thay đổi nội tiết tố mà người phụ nữ thường gặp phải trong suốt thời gian mang thai.
Đó là lý do vì sao mà nhiều người xem nám như một loại “mặt nạ của thai kì”. Với nám da, sự đổi màu chủ yếu là của lớp biểu bì. Đây là lớp trên cùng của da. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy các lớp sâu hơn của da (lớp hạ bì) cũng có vai trò trong sự phát triển của nám da.
1.2. Tại sao tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời thì da thường bị nám?
Tiếp tục tiếp xúc với ánh nắng mặt trời cũng có thể dẫn đến nám da. Điều này là do sự kích hoạt của các tế bào hắc sắc tố trong cơ thể bắt đầu sản xuất nhiều melanin hơn. Nám da phát triển ở các vùng da tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, thường là mặt. Nó cũng xuất hiện trên ngực, môi trên, 2 bên má, mũi, trán,…mặc dù không thường xuyên.
Yếu tố quan trọng gây nên nám da là nó thường xuất hiện đối xứng trên khuôn mặt. Trên thực tế, bạn có thể nhận thấy vết nám của mình trông rõ ràng hơn vào mùa hè nắng nóng. Và, chúng mờ đi một chút trong mùa đông lạnh. Tia cực tím của mặt trời kích thích các tế bào hắc tố, tạo ra nhiều hắc tố hơn.
1.3. Nám da do các vấn đề về tuyến giáp
Một số nghiên cứu cho thấy, nếu từng bị suy tuyến giáp, hoặc lượng hormone tuyến giáp thấp, đây có thể là nguyên nhân gây nên những thay đổi nội tiết tố khác. Một số trường hợp đã được ghi nhận là cũng bị nám da như một rối loạn về da do sự mất cân bằng nội tiết tố này.
1.4. Tại sao khi bị stress thì cũng có thể làm da bị nám?
Nhiều người khi bị stress cũng có thể bị nám nhiều hơn. Bởi vì, cơ thể bị căng thẳng trong thời gian dài cũng có thể kích hoạt sự thay đổi nội tiết tố. Từ đó, gây ra nám da.
1.5. Nám da do di truyền
Một người có thể dễ bị nám da do di truyền. Phần lớn những người bị nám da cũng có “họ hàng” với vấn đề này. Vì vậy, nếu bạn có tiền sử gia đình từng có người bị nám hoặc dễ bị sạm nắng, bạn nên cố gắng hết sức để hạn chế các yếu tố kích hoạt khác khi có thể.
1.6. Tại sao những người có màu da sẫm hơn thì có xu hướng bị nám phổ biến?
Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy những người có màu da sẫm hơn thường có xu hướng bị nám da phổ biến hơn. Một số khảo sát còn cho thấy nám da ít phổ biến hơn ở những người có làn da trắng sáng hơn.
Những người có khả năng bị nám da cao nhất là những người có làn da nằm trong khoảng từ III đến V theo thang điểm Fitzpatrick. Đây là một cách đo màu da. Theo đó, khoảng I là nước da sáng nhất và VI là nước da tối nhất. Nám không phổ biến ở các loại da nằm ở đầu xa của quang phổ.
1.7. Tại sao một số loại thuốc, mỹ phẩm có thể làm da bị nám nhiều hơn?
Một số loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ phát triển nám da. Trong danh sách này có thuốc tránh thai và liệu pháp thay thế hormone (vì chúng làm tăng estrogen), thuốc chống động kinh và tetracycline. Ngoài ra, bất kỳ sản phẩm mỹ phẩm nào khiến làn da của bạn nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời đều có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Các quy trình thẩm mỹ gây viêm da, như lột da bằng hóa chất và điều trị bằng laser, cũng có thể kích hoạt sự phát triển của nám da ở một số người. Tuy nhiên, không có yếu tố nào trong số này được coi là yếu tố nguy cơ chính.
2. Điều trị da bị nám thế nào hiệu quả tốt nhất?
Hầu hết phụ nữ bị nám da khi mang thai cho biết rằng nó sẽ biến mất sau khi sinh con. Tuy nhiên, một số dạng nám có thể xuất hiện ở phụ nữ không mang thai do thay đổi nội tiết tố. Do đó, việc điều trị những thay đổi nội tiết cơ bản thường giải quyết được vấn đề. Tuy nhiên, một số phương pháp khác có thể được áp dụng theo chỉ định của bác sĩ để cải thiện nám như:
- Dùng kem dưỡng da, viên uống làm trắng da giảm nám, bôi serum, kem bôi cortisol,…
- Lột da bằng hóa chất
- Trị nám bằng tia bắn laser
- Kê thuốc trị nám có chứa hydroquinone. Hydroquinone có sẵn dưới dạng kem dưỡng da, gel,…
- Liệu pháp chiếu sáng (Light therapy)
- Áp dụng các cách trị nám bằng thiên nhiên như đắp mặt nạ nha đam, sữa chua, mật ong,…
- Một số liệu pháp điều trị khác tùy theo từng vấn đề da.
Mặc dù vô hại về mặt sức khỏe, nhưng đối với nhiều người, nám da là nguyên nhân dẫn đến sự tự ti về ngoại hình. Vì vậy, việc tìm hiểu tại sao da bị nám là điều kiện quan trọng giúp chúng ta tìm ra phương pháp điều trị phù hợp và hiệu quả với tình trạng này. Hy vọng những thông tin hữu ích trong bài viết này sẽ giúp bạn có cách xử lý vấn đề da của mình tốt hơn.
Bích Tuyền