1. Những vấn đề da hay gặp phải sau khi nặn mụn
Chăm sóc da sau khi nặn mụn tại nhà là việc rất quan trọng. Làn da không được chăm sóc đúng cách dễ gặp phải những vấn đề sau:
- Mụn bị viêm sưng sau khi nặn xong. Nguyên nhân thường là do da không được bảo vệ tốt. Điều đó tạo điều kiện cho vi khuẩn, bụi bẩn xâm nhập vào vết thương gây viêm sưng.
- Nốt mụn sau khi nặn bị mưng mủ. Mủ thường xuất hiện sau khi mụn bị viêm. Trước sự tấn công của các tác nhân bên ngoài (vi sinh vật, tác nhân hóa, lí) hệ miễn dịch của cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cách hình thành viêm. Mủ là chất dịch vàng tích tụ lại vị trí viêm, chứa các tế bào bạch cầu chết đã “hy sinh” để tiêu diệt vi khuẩn.
- Bị thâm sau khi nặn mụn. Vùng da bị viêm nhiễm thường sẽ bị tăng sắc tố sau viêm. Để không bị thâm bạn cần tránh làm cho da bị viêm nhiễm.
- Mụn tái phát, mọc lại ở những vị trí đã nặn. Điều này có thể xảy ra khi bạn chăm sóc vết thương hở sau khi nặn mụn không đúng cách. Vết thương chưa lành hẳn nhưng lại bôi lên quá nhiều mỹ phẩm khiến lỗ chân lông bị bí tắc. Sau đó sẽ lại hình thành nhân mụn mới.
- Làn da kém mịn màng, lỗ chân lông to hơn sau khi lấy mụn. Nguyên nhân có thể do bạn đã nặn những nốt mụn chưa kịp chín nên bị viêm nhiễm dẫn tới bị sẹo. Các sẹo nhỏ có thể trông giống như những lỗ chân lông bị to ra.
2. Cách chăm sóc da sau khi nặn mụn tại nhà
2.1. Sát khuẩn, làm dịu và làm lành da
Sau khi nặn mụn, những vị trí mụn được lấy nhân, chưa đóng mài lại sẽ gọi là vết thương hở. Trong 24 – 48 giờ sau khi nặn mụn, việc cần làm chính là sát khuẩn, làm dịu và làm lành những vết thương hở này.
Để sát khuẩn bạn dùng nước muối sinh lý bán ở các hiệu thuốc. Cách dùng là thấm đẫm nước muối vào bông tẩy trang hoặc gạc tiệt trùng rồi chấm nhẹ lên da. Bạn thực hiện như vậy khoảng 3-4 lần một ngày.
Sau khi diệt khuẩn, nếu nốt mụn bị đỏ, sưng tấy bạn có thể dùng đá để làm dịu da. Lấy một viên đá nhỏ bọc vào băng gạc sạch rồi áp lên chỗ đang bị đau. Giữ trong khoảng 30 giây thì tình trạng sưng tấy sẽ được làm dịu hẳn.
Da sau khi vừa nặn mụn xong sẽ rất nhạy cảm. Khi chăm sóc da mụn trong ngày đầu tiên, bạn không nên đi ra ngoài đường để tránh ánh nắng, bụi bẩn ảnh hưởng xấu đến da. Với những bạn chỉ nặn vài đốm mụn nhỏ thì có thể dùng miếng dán mụn để che đi các vết thương hở.
Trong 24 – 48 giờ sau khi nặn mụn, bạn không nên skincare. Hoặc chỉ thực hiện các bước chăm sóc da cơ bản tối giản như rửa mặt, dưỡng ẩm. Đặc biệt, tránh sử dụng các sản phẩm treatment chứa AHA, BHA, Vitamin C, retinol khi vết mụn chưa lành để tránh làm cho da bị kích ứng.
2.2. Chăm sóc da sau khi nặn mụn tại nhà bằng cách thoa kem dưỡng để làm dịu da
Việc chăm sóc da sau khi nặn mụn tại nhà cũng cần có bước dưỡng ẩm. Nhưng đối với da sau nặn mụn, bạn nên ưu tiên các loại kem dưỡng cho da mụn nhạy cảm có công dụng làm dịu và phục hồi da. Những thành phần có khả năng làm lành da là chiết xuất rau má, chiết xuất nha đam, chiết xuất hoa cúc, panthenol (vitamin B5)… Đặc biệt, nên chọn những kem dưỡng có kết cấu không quá đặc, dạng gel hoặc lotion để dưỡng ẩm vừa phải và không khiến da mặt bị bí bách.
2.3. Thoa sản phẩm trị mụn sau nặn mụn
Trong trường hợp bạn chưa lấy hết nhân mụn hoặc trên da vẫn còn các nốt mụn khác chưa nặn được thì trong chu trình chăm sóc vẫn cần một sản phẩm để triệt tiêu mụn. Bạn có thể sử dụng những sản phẩm chứa các hoạt chất trị mụn như: Benzoyl Peroxide, tinh dầu tràm trà, salicylic acid… Chú ý, các sản phẩm này chỉ nên dùng để chấm lên đốm mụn. Đừng thoa toàn mặt vì dễ làm da bị kích ứng, đỏ rát.
2.4. Chống nắng kĩ càng cho da sau nặn mụn
Chống nắng là một việc làm cần thiết để làm giảm tình trạng gia tăng sắc tố do mụn, hạn chế thâm mụn. Cách chống nắng đơn giản nhất chính là che chắn da mặt kĩ càng bằng mũ nón, khẩu trang, khăn trùm mỗi khi bạn đi ra ngoài. Nhưng như vậy vẫn là chưa đủ. Vì tia UVA vẫn có thể đi xuyên qua quần áo, lớp kính dày làm hại da. Do đó bạn nên đầu tư vào một sản phẩm kem chống nắng tốt cho da mụn nhạy cảm, có khả năng chống tia UVA lẫn UVB.
3. Những lưu ý khi chăm sóc da mặt sau khi nặn mụn tại nhà
- Da mụn nên ngừng dùng những sản phẩm chứa cồn, hương liệu. Nếu bạn đang gặp rắc rối với làn da mụn nên ghi nhớ điều này. Vì làn da mụn thường rất nhạy cảm. Mà cồn và hương liệu lại khiến da dễ bị kích ứng. Do đó nguy cơ cao là sẽ làm tình trạng mụn của da càng trở nên tệ hơn.
- Làn da mới vừa nặn mụn nên tránh trang điểm. Các sản phẩm kem nền, phấn phủ với hạt phấn nhỏ rất dễ rơi vào các vết thương hở mà gây nên tình trạng nhiễm trùng, khiến mụn lâu lành, dễ bị thâm. Do đó, bạn hãy đợi một thời gian khi mụn lành lại rồi hẵng trang điểm nhé.
- Hạn chế tối đa việc đụng chạm, đưa tay sờ lên da mặt. Bàn tay là nơi chứa nhiều vi khuẩn, bụi bẩn. Việc chạm, sờ tay lên những vết mụn sẽ đưa vi khuẩn xâm nhập vào các vết thương đang hở dẫn đến nhiễm khuẩn. Do đó hãy cố gắng ghi nhớ điều này để bảo vệ làn da của bạn.
4. Những câu hỏi thường gặp liên quan đến việc chăm sóc da sau khi nặn mụn tại nhà
4.1. Nặn mụn xong có nên dùng toner?
Nặn mụn xong có nên dùng toner là điều mà nhiều người thắc mắc. Toner cho da mụn thường được dùng sau bước tẩy trang, sữa rửa mặt với công dụng là giúp da được làm sạch sâu, loại bỏ hết bụi bẩn, bã nhờn còn sót lại. Nhưng như đã đề cập ở trên, làn da sau khi nặn mụn cần được nghỉ ngơi, hồi phục nên việc sử dụng toner chăm sóc da sau khi nặn mụn tại nhà là thực sự không cần thiết. Hơn nữa, các sản phẩm toner chứa cồn còn có nguy cơ khiến cho da vốn nhạy cảm bị kích ứng. Do đó, hãy đợi cho vết thương mụn lành hẳn, da đã khỏe hơn thì hãy sử dụng toner lại nhé.
4.2. Có nên đắp mặt nạ đất sét khi chăm sóc da sau nặn mụn tại nhà
Cũng giống với toner, lời khuyên cho câu hỏi có nên đắp mặt nạ đất sét sau khi nặn mụn là không nên. Nói về công dụng thì mặt nạ đất sét cho da mụn giúp hút dầu thừa, bụi bẩn, độc tố. Một số loại đất sét cũng có khả năng làm mềm, làm dịu và cung cấp dưỡng chất cho da. Nhưng cách sử dụng mặt nạ lại khá phức tạp. Bạn cần bôi mặt nạ lên, đợi cho chúng khô lại rồi mới rửa đi. Các hạt đất sét nhỏ khi dây vào vết thương hở sẽ không dễ để làm sạch hết. Chưa kể, khi rửa mặt bạn còn phải dùng tay chà xát lên da khiến cho nốt mụn vừa mới nặn xong sẽ càng thêm sưng tấy.
4.3. Nặn mụn xong kiêng ăn những gì?
Sau khi lấy mụn xong bạn nên hạn chế ăn những thức ăn nhiều đường, đồ nếp để tránh kích thích viêm. Không chỉ sau khi lấy mụn mà trong cả chế độ ăn cũng nên giảm bớt lại lượng đường, sữa, dầu mỡ để tránh lên mụn, tăng cân. Tăng cường ăn nhiều rau xanh, hoa quả cũng là một cách để chăm sóc da sau khi nặn mụn tại nhà. Đặc biệt là ăn các loại thực phẩm chứa nhiều kẽm vì kẽm là một thành phần giúp kháng viêm rất tốt.
4.4. Nặn mụn sau bao lâu thì được make up?
Sau khi nặn mụn xong, trên da có rất nhiều vết thương hở. Trong giai đoạn vết thương mụn chưa lành hẳn bạn tuyệt đối không nên make up để tránh gây viêm nhiễm. Tốc độ lành của da còn phụ thuộc vào mức độ nặng, nhẹ của mụn. Với các nốt mụn nhẹ sẽ cần khoảng 2 ngày để lành hoàn toàn. Với các nốt mụn viêm sưng, mụn mủ, có thể mất từ 1 tuần cho đến nửa tháng. Trong trường hợp nhất định phải trang điểm, bạn có thể che mụn lại bằng miếng dán mụn. Sau khi make up hãy tẩy trang da mặt sạch sẽ, kĩ lưỡng.
Cách tự nặn mụn tại nhà được khá nhiều chị em lựa chọn vì tiết kiệm chi phí và vì cảm giác thích thú khi nặn mụn. Tuy nhiên nếu thực hiện không đúng cách sẽ khiến cho da bị viêm nhiễm, để lại thâm sẹo. Vì vậy, nếu đã xác định tự nặn mụn bạn cần phải thực hiện đúng quy trình. Quan trọng không kém là chăm sóc da sau khi nặn mụn tại nhà theo những chỉ dẫn trên đây để mụn mau lành, không lây lan hay tái phát nhiều lần.
K.lang tổng hợp