1. Lăn kim tại nhà là gì?
Lăn kim tại nhà là phương pháp sử dụng bánh lăn có các đầu kim nhỏ, khoảng 180 – 1000 đầu kim đế tác động lên da. Phương pháp này sẽ tạo ra những vết thương nhỏ trên da nhằm kích thích sản sinh collagen để phục hồi những vùng da đang bị tổn thương. Cách này giúp trị mụn, trị sẹo rỗ, làm giảm nếp nhăn, mờ đốm tàn nhang và phục hồi kết cấu da. Làn da của bạn sau một thời gian lăn kim sẽ được tái tạo, thay mới và trở nên mịn màng trắng trẻo như làn da em bé.
2. Nguyên tắc hoạt động của phương pháp lăn kim
Lăn kim hoạt động theo cơ chế dùng những đầu kim siêu nhỏ đâm vào lớp biểu bì trên da tạo nên những thương tổn nhỏ. Từ đó kích thích cơ chế tự làm lành vết thương của da. Các tế bào mới được sản sinh, hình thành nên lớp collagen và elastin mới, làn da của bạn được tái cấu trúc và trở nên tươi trẻ hơn.
3. Hướng dẫn lăn kim tại nhà an toàn, hiệu quả
3.1. Dụng cụ lăn kim tại nhà có mấy loại? Nên lựa chọn kim lăn loại nào?
3.1.1. Dụng cụ lăn kim tại nhà có mấy loại?
Hiện nay phương pháp lăn kim có 2 dụng cụ được sử dụng phổ biến đó là Dermaroller (sử dụng con lăn bằng tay) và Dermapen (dùng bút kim điện). Tuy có công dụng giống nhau nhưng chi phí của 2 loại kim lăn này có sự chênh lệch nhau khá nhiều.
Kim lăn tay có giá thành rẻ, là dụng cụ lăn thủ công bằng tay bao gồm 1 đầu chứa kim lăn và một tay cầm. Có thể dễ dàng tháo rời các bộ phận ra để thay thế kim lăn. Đối với bút kim điện, chi phí của dụng cụ này cao gấp nhiều lần hơn so với cây kim lăn tay. Máy có thể điều chỉnh được độ kim từ 0.02mm – 2.0mm và cắm điện dùng trực tiếp.
3.1.2. Nên lựa chọn kim lăn loại nào?
Nên chọn những kim lăn có nguồn gốc uy tín, làm từ thép y tế chất lượng cao, có thương hiệu và xuất xứ rõ ràng. Đảm bảo chỉ tiêu an toàn cho da, tránh mua phải hàng giả, hàng nhái. Cây lăn kim tốt sẽ quyết định hiệu quả điều trị lên đến 70%. Bạn có thể tham khảo một số thương hiệu kim lăn uy tín như Dermaroller, Dr Roller, ZGTS…
Những kim lăn kém chất lượng thường được chế tạo bằng những loại thép không đảm bảo vệ sinh và có thể gây nhiễm trùng da. Bên cạnh đó những loại kim này sẽ không có đủ độ nhỏ và sắc nên có thể làm các các mô và mao mạch máu ở biểu bì bị vỡ khi lăn. Nguy cơ cao là dẫn đến rách da, thậm chí là hình thành thêm những vết sẹo mới.
Kim lăn thường có size từ 0.25mm – 2.0mm, mỗi độ dài của kim lăn sẽ mang đến những công dụng khác nhau cho làn da:
- 0.5mm: thích hợp để phục hồi kết cấu da và giảm quá trình lão hóa.
- 0.25mm – 0.75mm: dùng để trị sẹo mụn, nám da và giảm lão hóa.
- > 1mm có khả năng len sâu vào da và điều trị vấn đề nặng như sẹo rỗ.
Khi lăn kim tại nhà, bạn nên lựa chọn những loại đầu lăn có kim nhỏ từ 0,2 mm – 1mm để tránh làm tổn thương quá lớn cho da.
3.2. Quy trình lăn kim tại nhà
3.2.1. Làm sạch da trước khi lăn kim
Đây là bước quan trọng giúp bảo vệ da không bị nhiễm trùng khi lăn kim. Bạn làm sạch da như cách làm sạch thông thường hàng ngày bằng nước tẩy trang, sữa rửa mặt. Bạn có thể tẩy tế bào chết cho da mặt và xông mặt để làn da được thư giãn trước khi lăn kim.
3.2.2. Ủ tê (nếu cần) và bôi thuốc sát trùng
Đối với những bạn lựa chọn đầu kim lăn có kích thước dưới 1mm thì không cần phải ủ tê. Tuy nhiên nếu bạn thuộc da nhạy cảm, bạn vẫn có thể sử dụng kem ủ tê và thuốc sát trùng trước khi lăn kim.
Bôi kem ủ tê: Bôi đều kem lên da và dùng màng bọc thực phẩm bọc lại, ủ da trong khoảng 45 phút. Sau đó mở màng bọc ra và lau sạch kem, rửa lại với nước sạch và nước muối sinh lý. Tác dụng của kem ủ tê thường diễn ra trong khoảng 15 – 30 phút.
Bôi thuốc sát trùng: Sau khi đã làm sạch da và ủ tê (nếu có) bạn thoa thuốc sát trùng lên da. Bôi một lớp mỏng nước sát trùng và để trên da trong khoảng 1 phút. Người ta thường dùng PVP iodine 10% hoặc Betadine 10% để sát trùng . Sau đó làm sạch lại da với nước muối sinh lý một lần nữa.
3.2.3. Làm ẩm da bằng serum
Bước này giúp cho làn da ẩm, trơn mịn giúp cho quá trình lăn kim được dễ thực hiện hơn. Sau khi da được sát trùng bạn thoa serum lên da một lớp nhiều và dày để làn da có đủ độ trơn, mịn và giúp serum dễ thấm sâu vào da. Lưu ý nếu trong quá trình lăn kim và serum đã thấm hết thì bạn vẫn có thể bôi thêm một ít serum để tiếp tục lăn đến khi hoàn thành.
3.2.4. Tiến hành lăn kim
Dùng cây lăn bắt đầu lăn ở vùng trán, vì đây là vùng da mỏng và nhạy cảm hơn các vùng da còn lại. Tiếp đến là hai bên thái dương, 2 bên má, mũi, nhân trung, cằm và xương quai hàm. Sau khi lăn xong, bạn có thể lăn ở những vùng có nếp nhăn quanh mắt. Nhưng lưu ý bạn nên hết sức nhẹ tay và cẩn thận để không làm tổn thương vùng da này, vì nó rất mỏng và nhạy cảm.
Những điểm cần ghi nhớ trong quá trình lăn kim:
Lăn kim theo 3 hướng ngang, dọc và chéo (45 độ). Mỗi chiều lăn khoảng 5 lần đến khi da ửng hồng để đảm bảo không bị sót vùng da nào. Đặc biệt là sau mỗi đường lăn bạn nên nhấc kim lăn lên và quay lại điểm khởi đầu để lăn lại. Nếu lăn đi lăn lại trên da sẽ dễ làm da tổn thương. Quá trình lăn thường mất khoảng 1 -2 phút cho từng vùng da và khoảng 5 – 10 phút cho toàn bộ khuôn mặt.
Lưu ý không nên dùng lực quá mạnh khi lăn kim. Nếu lăn quá mạnh sẽ làm cho da bị trầy xước, rách và bị tổn thương nặng hơn. Nhưng nếu lăn quá nhẹ thì sẽ không có hiệu quả nhiều trên da. Nên thử ở mức độ nhẹ và tăng dần lên đến khi thấy phù hợp. Nếu lăn đi lăn lại trên da sẽ dễ làm da tổn thương.
Ban đầu khi mới trải nghiệm phương pháp lăn kim tại nhà, bạn sẽ có cảm giác ngứa, đau, châm chích và cảm giác này sẽ hết dần nếu bạn sử dụng thường xuyên.
3.2.5. Thoa serum một lần nữa
Sau khi lăn da sẽ tăng khả năng hấp thụ dưỡng chất. Nên lúc này này bên bôi thêm serum lên da và vỗ nhẹ cho thấm vào da.
3.2.6. Đắp mặt nạ lăn kim chuyên dụng
Sử dụng mặt nạ lăn kim sẽ giúp làm dịu làn da, giảm ửng đỏ và chống viêm. Đồng thời đẩy nhanh quá trình phục hồi và tăng hiệu quả lăn kim. Không nên tự ý đắp những loại mặt nạ thông thường khác, sẽ gây ảnh hưởng cho da nghiêm trọng vì lúc này da đang bị tổn thương nên rất nhạy cảm. Có khá nhiều dạng mặt nạ để bạn lựa chọn. Đó có thể là mặt nạ giấy, mặt nạ dạng gel… nhưng nhất định phải là loại chuyên dụng cho da sau khi lăn kim.
4. Sau lăn kim tại nhà nên chăm sóc da như thế nào cho đúng?
Sau khi lăn kim, bạn có thể thấy da bị ửng đỏ lên và nóng ran khắp mặt. Đây là dấu hiệu bình thường vì khi lăn kim sẽ làm tăng lượng máu lưu thông đến vùng da cần điều trị. Tình trạng này chỉ là tạm thời và sẽ giảm đi trong vài ngày sau đó.
Việc chăm sóc da sau lăn kim là vô cùng quan trọng vì nó chiếm đến 50% hiệu quả cải thiện làn da của bạn.
- Trong 24h đầu tiên không nên sử dụng bất kỳ loại mỹ phẩm hay kem dưỡng da nào vì trong các sản phẩm này có chứa hóa chất nên rất dễ gây kích ứng cho da.
- Sau 24 – 48h bạn có thể sử dụng các sản phẩm dưỡng da như bình thường. Nên vệ sinh da mặt đúng cách mỗi ngày sáng và tối.
- Sau lăn kim da có khả năng hấp thu tốt hơn nên bổ sung các dưỡng chất và độ ẩm cho da. Bước này giúp da không bị khô, tái tạo và cải thiện kết cấu da tốt hơn.
- Nên hạn chế tối đa việc sử dụng mỹ phẩm và nên bôi kem chống nắng vật lý mỗi khi ra ngoài.
- Kiêng ăn các loại hải sản, thịt bò, rau muống, đồ cay nóng trong vòng 7 ngày đầu sau khi lăn kim.
- Nên uống nhiều nước và ăn các loại thực phẩm giàu vitamin A, C, E.
- Có chế độ sinh hoạt lành mạnh, không thức khuya… cũng sẽ giúp làn da của bạn nhanh phục hồi và có kết quả tốt hơn.
5. Những điều cần lưu ý khi lăn kim tại nhà
Lăn kim cách làm đẹp da đang trở nên phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, khi lăn kim tại nhà hãy chắc chắn rằng bạn thật sự hiểu rõ vấn đề về da của mình. Và cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
- Nên thực hiện lăn kim vào buổi tối để da có thời gian được nghỉ ngơi, thư giãn.
- Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ da liễu trước khi lăn kim tại nhà.
- Chọn kim lăn không phù hợp, lăn sai cách sẽ không giúp khắc phục được tình trạng của da mà còn làm cho nó nặng thêm.
- Nếu không biết cách vệ sinh dụng cụ lăn và vệ sinh da mặt trước khi lăn kim sẽ dễ bị nhiễm trùng nặng. Nguy hiểm hơn còn dẫn đến hoại tử.
- Không nên dùng chung kim lăn với người khác.
- Không nên lăn kim ở những vùng da đang bị thương, bị viêm hoặc bị mụn vì sẽ làm cho da dễ bị nhiễm trùng và mọc mụn nhiều hơn. Nếu lăn kim để trị mụn bạn nên sử dụng các sản phẩm trị mụn và kháng viêm trước để làm giảm tình trạng sưng viêm trước khi tiến hành lăn kim.
6. Một số câu hỏi khi tiến hành lăn kim tại nhà
6.1. Có nên lăn kim tại nhà không?
Lăn kim tại nhà là một trong những cách chăm sóc da mặt tiết kiệm, tốn ít chi phí hơn so với đi spa, thẩm mỹ viện. Phương pháp này nghe có vẻ đơn giản nhưng để thực hiện được cần phải có một lượng kiến thức nhất định về lĩnh vực này. Nếu không biết lăn kim đúng cách da bạn không những không đẹp lên mà còn bị tổn thương như rách da, viêm nhiễm da nặng….
Như vậy nếu bạn đã nắm rõ các nguyên tắc khi lăn kim, lựa chọn kim lăn và hiểu rõ về cơ chế hoạt động của phương pháp này thì nên thực hiện tại nhà. Còn những bạn chưa hiểu rõ về phương pháp này tốt nhất là nên đi đến các trung tâm spa, thẩm mỹ viện uy tín để đảm bảo an toàn cho làn da của bạn.
6.2. Khi nào thì nên lăn kim? Công dụng của lăn kim là gì?
Lăn kim giúp các dưỡng chất thấm sâu vào trong các tế bào da giúp da tái tạo và tăng sinh collagen. Đây là phương pháp làm đẹp giúp khắc phục mọi khuyết điểm của làn da. Từ đó các vấn đề trên da sẽ được cải thiện hiệu quả như: sẹo rỗ, mờ các nếp nhăn, nâng cơ, trị mụn, thu nhỏ lỗ chân lông…
Công dụng của lăn kim có thể giúp khắc phục các vấn đề về da sau đây:
6.2.1. Lăn kim trị mụn tại nhà
Đây là biện pháp giúp kích thích nhân mụn dưới da đẩy lên trên, các mụn ẩn, nhân mụn được xử lý và tránh bị tái phát. Các loại mụn có thể dùng biện pháp lăn kim để khắc phục như mụn bọc, mụn trứng cá, mụn cám, mụn đầu đen… Đối với các loại mụn mủ, mụn gây viêm da nặng thì nên được xử lý trước khi lăn kim.
6.2.2. Lăn kim tại nhà trị sẹo rỗ
Bản chất của sẹo là do thiếu hụt collagen và elastin. Lăn kim là phương pháp làm tổn thương da nhằm kích thích cơ thể tự lành vết thương của da. Từ đó kích thích sản sinh collagen và elastin giúp tái tạo tế bào da mới. Làn da nhanh chóng được làm đầy sẹo, trả lại cho bạn làn da mịn màng.
6.2.3. Lăn kim trị nám, tàn nhang
Nám, tàn nhang thường bị phát sinh từ bên trong lớp trung bì của da. Lăn kim có thể giúp giải quyết vấn đề này bằng cách tác động vào tận sâu chân gốc nám, tàn nhang. Từ đó giúp phá vỡ các hắc tố melanin và đào thải chúng ra ngoài cơ thể. Đồng thời việc tăng sinh collagen cũng giúp tái tạo vùng da mới giúp da đều màu và xóa bỏ nám, tàn nhang.
6.2.4. Lăn kim trị thâm, da yếu, khô, nhờn, lão hóa
Những làn da bị thâm, khô hoặc nhờn và lão hóa cũng có thể được khắc phục bằng biện pháp lăn kim. Khi lăn kim, các tế bào da ở lớp thượng bì được kích thích nhằm loại bỏ thâm nám. Kéo theo đó là sự tăng sinh collagen và elastin giúp da chắc khỏe hơn. Từ đó da được tăng độ đàn hồi và được se khít lỗ chân lông, giúp trị thâm mụn, sẹo mụn, tăng cường độ ẩm tự nhiên của da. Thêm vào đó lượng dầu trên da cũng được kiểm soát, các vùng da lão hóa sẽ được lấp đầy. Từ đó da trở nên căng mịn và tràn đầy sức sống hơn.
6.3. Lăn kim tại nhà bao lâu 1 lần? Có nên lăn kim thường xuyên?
Tần suất lăn kim phụ thuộc vào độ dài của kim. Và còn được điều chỉnh để phù hợp với làn da của mỗi người. Bạn có thể tham khảo các thông số sau:
- Kim 0.25 mm: Có thể dùng hàng ngày hoặc cách ngày đều được.
- Kim 0.5 mm: Dùng 1 – 2 lần/tuần, nếu da khỏe hơn thì có thể dùng 3 lần/tuần
- Kim 1.0 mm: Cách nhau ít nhất 1 – 2 tuần giữa các lần lăn kim.
Đối với những bạn lăn kim ở spa, dùng loại kim có độ dài lớn hơn sẽ có khoảng thời gian xa hơn:
- Kim 1.5 mm: Cách nhau ít nhất 3 – 4 tuần giữa các lần lăn kim.
- Kim 2.0 mm trở lên: Cách nhau ít nhất 4 – 6 tuần giữa các lần lăn kim.
6.4. Làm sạch kim lăn sau khi sử dụng và cách bảo bảo kim lăn
Lăn kim đòi hỏi dụng cụ chuyên dụng phải luôn được sạch sẽ, sát khuẩn. Đặc biệt là đầu kim phải luôn trong trạng thái vô trùng. Việc làm sạch kim lăn và bảo quản sau khi sử dụng là rất quan trọng. Do đó bạn cần làm sạch kim lăn theo các bước dưới đây:
- Đưa kim lăn vào vòi nước đang chảy, nên bật chế độ nước nóng là tốt nhất.
- Ngâm đầu kim lăn vào dung dịch cồn 70 độ trong khoảng từ 3 – 5 phút. Không nên ngâm quá lâu vì cồn sẽ làm mài mòn kim lăn.
- Rửa lại kim lăn bằng nước sạch hoặc dùng nước muối sinh lý.
- Để kim lăn ở những nơi sạch, thoáng khí đợi cho kim khô.
- Sau khi kim lăn đã khô, đậy nắp bảo vệ đầu kim lăn. Sau đó cho cây kim lăn vào hộp và gài kín.
Trên đây là những thông tin về phương pháp làm đẹp bằng cách lăn kim mà Tạp chí Phụ nữ và Làm đẹp Việt Nam giới thiệu đến bạn. Lăn kim tại nhà là biện pháp làm đẹp phổ biến hiện nay. Nó giúp tiết kiệm chi phí, thời gian và đem lại hiệu quả cao cho người sử dụng. Tuy nhiên trước khi quyết định lăn kim tại nhà bạn hãy nắm chắc kiến thức về mảng này nhé. Nếu không hiểu rõ về quá trình tự lăn kim như thế nào cho đúng thì tốt nhất bạn hãy đến các spa chăm sóc da mặt hoặc thẩm mỹ viện để da được chăm sóc tốt hơn.
Ngoc Pham tổng hợp